​QUAN HỆ  VIỆT NAM – PHÁP:

Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ ngày 12/4/1973.
1. Các giai đoạn phát triển: 
- Giai đoạn 1975-1978: Sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam và Pháp tăng cường quan hệ nhiều mặt. Hai nước đã ký một loạt nghị định thư tài chính, Pháp bắt đầu hỗ trợ ta trong quá trình khôi phục đất nước. Đỉnh cao quan hệ là chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tháng 4/1977.
- Trong những năm 80, quan hệ hai nước bị ngưng đọng do vấn đề Campuchia. Các nước phương Tây thi hành chính sách cô lập Việt Nam, gây sức ép đòi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, nhưng khác với Mỹ, Pháp giữ thái độ chừng mực.
- Từ năm 1989, quan hệ Việt-Pháp được cải thiện trở lại. Pháp đã đi đầu các nước phương Tây trong khai thông quan hệ với Việt Nam, xoá nợ cho Việt Nam, giúp Việt Nam giải quyết nợ với các nước chủ nợ thành viên CLB Paris.
- Từ đó đến nay, Việt Nam và Pháp đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao. Về phía Pháp, đã có 3 chuyến thăm cấp nguyên thủ quốc gia sang Việt Nam (Tổng thống Mitterrand 1993, Tổng thống Chirac năm 1997 và 2004; Thủ tướng Fillon tháng 11/2009). Về phía Việt Nam, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Pháp năm 2000, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm Pháp năm 2005, Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Pháp năm 2002, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Pháp năm 1993, Thủ tướng Phan Văn Khải năm 1998 và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2007).
2. Các cơ chế hợp tác:
Hai nước có nhiều cơ chế hợp tác, đáng lưu ý có:
- Uỷ ban hỗn hợp Hợp tác Văn hóa, Khoa học kỹ thuật liên Chính phủ (1982) họp thường kỳ hai năm một lần, phiên thứ 11 tại Hà Nội tháng 5/2000 và sau đó không tổ chức họp nữa.
- Nhà Pháp luật Việt-Pháp thành lập năm 1993 trên cơ sở Hiệp định giữa hai Chính phủ với hai nhiệm vụ chủ yếu là hỗ trợ Việt Nam trong quá trình soạn thảo các văn bản pháp luật và đào tạo chuyên gia ngành tư pháp. Hàng năm, Ủy ban định hướng do hai Bộ trưởng Tư pháp đồng chủ trì luân phiên tại hai nước. Phiên thứ 16 đã họp tại Việt Nam tháng 02/2009.
- Hội đồng cấp cao vì sự phát triển hợp tác kinh tế Việt - Pháp được thành lập theo sáng kiến của Tổng thống Pháp J. Chirac và Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Phiên họp thứ hai tổ chức vào tháng 3/2008 tại TP. HCM đã thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp Pháp, là diễn đàn trao đổi về nhu cầu hợp tác của Việt Nam đến các doanh nghiệp và chính quyền Pháp.
- Diễn đàn kinh tế tài chính Việt - Pháp (2000) do ADETEF, cơ quan hợp tác Bộ Kinh tế Pháp và Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch - Đầu tư Việt Nam đồng tổ chức, là một diễn đàn đối thoại và trao đổi để đưa ra đề xuất và định hướng cho chính sách nhà nước. Khoá họp toàn thể của diễn đàn được tổ chức hàng năm và bàn về một chủ đề có tính thời sự. Khóa thứ 8 với chủ đề "Năng lượng và phát triển bền vững" đã diễn ra vào tháng 11/2009.
I. Quan hệ kinh tế 
1. Hỗ trợ phát triển
Việt Nam là một trong ít nước được hưởng cả ba kênh viện trợ tài chính của Pháp là viện trợ phát triển chính thức từ ngân khố và cho vay ưu đãi từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và từ Quỹ Đoàn kết ưu tiên (FSP). Pháp hiện là nhà tài trợ song phương ODA thứ hai cho Việt Nam, sau Nhật Bản. Việt Nam đứng thứ 7 trong số các nước hưởng ODA của Pháp. Đến nay, Pháp đã cấp cho Việt Nam vay ưu đãi trên 2 tỷ euro cho các dự án, trong đó đáng chú ý là dự án vệ tinh VNREDSAT1 (57,8 triệu euro), dự án tầu điện ngầm Hà Nội (280 triệu euro), dự án trường đại học khoa học công nghệ Hà Nội (100 triệu euro)... Năm 2008, Pháp đứng đầu trong số các nhà tài trợ song phương tại CG, cam kết viện trợ 380 triệu đô-la cho Việt Nam cho năm 2009 (tăng so với 228 triệu năm 2007).
Theo tinh thần Tài liệu khung về quan hệ đối tác Việt Nam – Pháp giai đoạn 2006-2010 (ký ngày 15/9/2006), Pháp cam kết viện trợ cho Việt Nam 1,4 tỷ đô –la, tập trung thế mạnh của Pháp vào 4 lĩnh vực ưu tiên: xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, chuyển giao công nghệ, phát triển nông nghiệp, công nghiệp (điện năng, năng lượng sạch và công nghệ chế biến) và phát triển lĩnh vực tài chính phi ngân hàng.
2. Trao đổi thương mại
Pháp là bạn hàng châu Âu thứ 3 của Việt Nam (sau Đức và Anh). Trao đổi thương mại hai chiều năm 2007 đạt 2,04 tỷ đô-la, năm 2008 đạt 1,8 tỷ đô-la, năm 2009 đạt gần 1,872 tỷ đô-la, tăng gần 6% so với năm 2008, trong đó tổng giá trị giá hàng hóa VN xuất đạt 808 triệu đô-la, chủ yếu là giày dép, hàng dệt may, hàng hải sản, sản phẩm đá quý và kim loại quý; tổng giá trị hàng hóa Pháp nhập đạt 864 triệu đô-la, chủ yếu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; tân dược; các sản phẩm hóa chất; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày; sữa và sản phẩm sữa. Trong 6 tháng đầu năm 2010, kim ngạch thương mại song phương đạt 920 triệu euro (Việt Nam xuất khẩu sang Pháp 630 triệu euro, nhập khẩu từ Pháp 290 triệu euro). Từ năm 2007, Pháp là nước xuất siêu sang Việt Nam, trong đó các mặt hàng nhập khẩu chính là máy móc thiết bị và dược phẩm.
3. Đầu tư
Pháp đứng đầu các nước châu Âu và đứng thứ 13 trong tổng số 88 nước và lãnh thổ đầu tư ở Việt Nam. Đầu tư trực tiếp của Pháp có mặt tại Việt Nam từ năm 1988. Tính đến 31/8/2009, Pháp đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn cam kết khoảng 3,03 tỷ đô-la cho 216 dự án còn hiệu lực. Vốn đầu tư của Pháp tăng liên tục trong những năm gần đây (năm 2008 tăng 5,5 lần so với năm 2007); 9 tháng đầu năm 2009 có suy giảm do tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tổng vốn đầu tư của Pháp trong 5 tháng đầu năm 2010 đạt 21 triệu USD, trong đó có 14 dự án cấp mới và 4 dự án tăng vốn. Các lĩnh vực có vốn đầu tư lớn là dịch vụ (52% tổng vốn), công nghiệp (37%), còn lại là nông nghiệp. Hình thức đầu tư bao gồm hợp đồng hợp tác kinh doanh (chiếm 31%), BOT (29,6%) với quy mô trung bình là 11,59 triệu USD/dự án (ở mức thấp so với bình quân chung là 15 triệu USD/dự án). Đầu tư trực tiếp của Pháp tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, giao thông và viễn thông, khách sạn và dịch vụ, chế biến thực phẩm; phân bổ trên khoảng 30 địa phương, tập trung phần lớn tại thành phố Hồ Chí Minh (96 dự án), Hà Nội (56 dự án), Đồng Nai (18 dự án), Bà Rịa-Vũng Tàu (8 dự án) và Quảng Nam (8 dự án). Một số dự án lớn Pháp đang triển khai là nhà máy điện Phú Mỹ 2, dự án phát triển đường dây viễn thông của tập đoàn France Telecom, hợp tác chiến lược giữa AXA và Bảo Minh, công ty Alcatel Việt Nam, hệ thống phân phối của tập đoàn Bourbon, v.v. Hiện Pháp đang quan tâm nhiều đến các dự án về năng lượng tại Việt Nam.
II. Hợp tác văn hoá, khoa học và kỹ thuật
1. Hợp tác khoa học và công nghệ
 Việt Nam nằm trong số các nước hợp tác ưu tiên của Pháp. Hợp tác Việt-Pháp hiện nay được thực hiện thông qua các dự án do Quỹ Đoàn kết Ưu tiên (FSP) của Pháp tài trợ. Đây thường là các chương trình lớn, dài hạn về nghiên cứu, phát triển công nghệ, đào tạo phục vụ phát triển kinh tế xã hội; phát huy giá trị văn hóa; tăng cường năng lực về pháp luật và hành chính...với kinh phí trung bình cho mỗi dự án khoảng trên một triệu euro.
Tháng 3/2007, Hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai Chính phủ đã được ký kết nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các chuyên gia, cơ quan và tổ chức khoa học và công nghệ hai nước tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác. Hợp tác trong lĩnh vực ứng dụng hạt nhân ngày càng được tăng cường trong khuôn khổ Thỏa thuận giữa Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Uỷ ban Năng lượng Nguyên tử Pháp (CEA) như hợp tác đào tạo cán bộ về công nghệ hạt nhân và khai thác sử dụng chương trình tính toán của CEA, cung cấp tài liệu tuyên truyền về điện hạt nhân cho công chúng. Tháng 11/2009, Hiệp định hợp tác về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình được ký dưới sự chứng kiến của hai Thủ tướng.
2. Hợp tác về giáo dục và đào tạo
Hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và Pháp đã hình thành và phát triển từ đầu những năm 80. Pháp luôn coi giáo dục và đào tạo là mục tiêu ưu tiên trong hoạt động hợp tác của mình tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào việc giảng dạy và phát triển tiếng Pháp, đào tạo nguồn nhân lực ở bậc đại học, sau đại học trong nhiều lĩnh vực: quản lý kinh tế, ngân hàng, tài chính, luật, công nghệ mới…Tháng 11/2009, Hiệp định về thành lập và phát triển trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội được ký kết theo đó Pháp cam kết hỗ trợ Việt Nam 100 triệu euro trong vòng 10 năm.
Hàng năm, Chính phủ Pháp dành 80 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập, nhằm giúp Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính sách học bổng của Pháp tập trung chủ yếu cho các chương trình đào tạo ở bậc học thạc sỹ và tiến sỹ. Số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Pháp tăng khoảng 40% trong vòng 10 năm qua và có khoảng 5000 sinh viên. Pháp khẳng định sẽ hợp tác và hỗ trợ Việt Nam thực hiện kế hoạch đào tạo 10 000 tiến sỹ từ nay đến 2020.
3. Hợp tác văn hóa
Giao lưu văn hoá giữa hai nước ngày càng phát triển. Chính phủ Pháp dành ưu tiên hỗ trợ cho chính sách hội nhập văn hóa của Việt Nam với phương châm khẳng định, tôn trọng sự đa dạng văn hoá Việt Nam. Hiệp định giữa hai Chính phủ về các Trung tâm Văn hóa được ký kết (tháng 11/2009) sẽ tạo cơ sở và điều kiện cho hoạt động của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Paris, một trong 2 trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Liên hoan nghệ thuật Festival Huế được tổ chức lần đầu vào tháng 4/2000 với sự tài trợ và tham gia tích cực của Pháp đã trở thành một hoạt động văn hóa quốc tế, được tổ chức 2 năm một lần. Pháp là đối tác đầu tiên xây dựng Festival Huế. Việt Nam được mời tham gia vào nhiều lễ hội văn hóa nghệ thuật tại Pháp (Lễ hội nghệ thuật Avignon, Lễ hội Biển quốc tế Brest). Nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, đoàn Pháp do ông Poncelet, nguyên Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp – Việt dẫn đầu sang dự sự kiện này.
III. Các hoạt động hợp tác khác
1. Hợp tác quốc phòng: Pháp là nước phương tây đầu tiên có tùy viên quốc phòng. Pháp đang thúc đẩy hợp tác với ta, chủ yếu buôn bán vũ khí cũng như trang thiết bị quân sự. Hai nước đã ký Hiệp định hợp tác Thỏa thuận khung giữa hai nước được ký vào năm 1997. Nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp (11/2009), hai bên đã ký “Thỏa thuận giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước CHXHCN Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Cộng hòa Pháp về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng”.
2. Hợp tác giữa các địa phương: (còn gọi là hợp tác phi tập trung) là một hình thức hợp tác đặc thù trong quan hệ hai nước và hiện đang đi vào chiều sâu. Hiện có 52 địa phương (Vùng, Tỉnh) của Pháp là đối tác với 54 tỉnh/thành phố vủa Việt Nam. Hai năm một lần, Hội nghị hợp tác Phi tập trung được tổ chức nhằm đánh giá hoạt động hợp tác và trao đổi kinh nghiệm hợp tác giữa các địa phương. Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 6 vào năm 2005 tại Huế và dự kiến tổ chức Hội nghị lần thứ 8 vào tháng 11 /2010 tại Hải Phòng.
3. Pháp ngữ : Đều là thành viên của tổ chức Pháp ngữ, hai nước có nhiều hoạt động hợp tác trong khuôn khổ tổ chức Pháp ngữ, đặc biệt trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Pháp, giảng dạy đại học, các hoạt động nghị viện… 
4. Hợp tác ba bên :  Giữa Việt Nam, Pháp với/hoặc một tổ chức tài trợ và một số nước châu Phi như Mali, Burkina Faso, Senegal trong cách lĩnh vực nông nghiệp, y tế… đã thu được những kết quả tốt và được các nước thụ hưởng hoan nghênh, đề nghị nhân rộng.

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​